Làm hồ sơ du học Đức tự túc bậc Dự bị Đại học

Xin chào các bạn, mình là Chi!

Trong bài đăng này mình sẽ hướng dẫn các bạn chi tiết các bước làm hồ sơ du học Đức tự túc bậc dự bị Đại học mà không mất một phần phí dịch vụ cho công ty môi giới du học nào hết! Chỉ cần các bạn đủ điều kiện điểm số và kinh tế thì không có lý do gì các bạn không thể tự mình làm tất cả được! Nếu các bạn muốn tiết kiệm số tiền dịch vụ đắt đỏ này và sẵn sàng đương đầu với một vài vấn đề (nhỏ thôi) có thể gặp phải trong quá trình tự làm hồ sơ thì chúng ta cùng bắt đầu luôn nhé ;) !

Các bạn có thể tham khảo video blog của mình ở Youtube:

(Bài đăng này sẽ RẤT RẤT dài, vì thế các bạn có thể xem qua trước Video để có vài ý tưởng cơ bản về những gì các bạn cần có, và những gì các bạn phải làm nhé!)

---

Lời đầu: Cá nhân mình cho rằng việc bỏ tiền ra cho các công ty môi giới du học là rất lãng phí, bởi một số công ty lấy phí cực kỳ đắt đỏ cho những việc làm không hề phức tạp (VD: dịch thuật công chứng hồ sơ, các bạn đem tất cả giấy tờ mình có ra phòng dịch cũng chỉ mất tối đa là 1.700.000vnđ trong khi qua công ty môi giới nó có thể lên đến 2-3 triệu đồng, mà thực tế họ không cần phải làm gì cả ngoài bưng đúng số giấy tờ đó qua phòng dịch công chứng). Tuy nhiên, nếu các bạn có điều kiện kinh tế và không muốn bỏ thời gian để tự mình thực hiện những công việc nghe chừng khá rắc rối này thì, không sao cả, đó là lựa chọn của bạn và mình không ở đây để đánh giá ai cả :D Mình chỉ có mong muốn duy nhất là chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cho những ai cần hoặc để cho ai muốn đọc tham khảo cho vui cũng được hehe.

Bên cạnh đó, những kinh nghiệm mà mình có được trong bài viết này không phải tự nhiên mà có cũng không phải là tự mình nghĩ ra, mình đã hỏi thăm, tham khảo ý kiến của rất nhiều anh chị em bạn bè đi trước, cũng như đọc thông tin trên 2 trang chính đó là DAADhotrosv.de (Cực kỳ cảm ơn các anh chị của hotrosv.de vì họ hướng dẫn rất tận tình và chi tiết nên mình đã sang đến Đức thành công :D Vì thế phần nhiều trong bài hướng dẫn này mình xin phép được dẫn link từ hotrosv.de, các bạn có thể tham khảo các bài đọc trực tiếp tại đây: http://hotrosv.de/)

Nếu các bạn sẵn sàng rồi thì chúng ta cùng bắt đầu nhé!!!

---
Trước khi vào bước đầu tiên, hãy đảm bảo điều kiện điểm số của bạn đạt yêu cầu để đi Đức. Chi tiết: https://www.daad-vietnam.vn/vi/hoc-tap-va-nghien-cuu-tai-duc/hoc-tap-tai-duc/dieu-kien-hoc-dai-hoc-tai-duc/

Trong trường hợp bạn không đủ điều kiện, có 3 cách để sang Đức hợp pháp ví dụ như sau:
1. Thi lại Đại học
2. Chuyển hướng sang học Ausbildung
3. Chương trình Freshman (cái này mình không rõ và nó siêu đắt tiền nên mình cũng không tìm hiểu)


BƯỚC 1: Học tiếng Đức

Đối với bước này, mình không có lời khuyên nào thực sự cụ thể cho các bạn cả. Chỉ đơn giản là các bạn có thể bắt đầu học tiếng Đức theo bất cứ cách nào mà các bạn muốn và giúp ích cho quá trình học của mình. Ví dụ, nếu có khả năng bạn hoàn toàn có thể tự học.

Tuy nhiên, với những người có phần giống bản thân mình, đó là gần như không thể tự học được (thực ra việc này cũng khá khó cho người mới bắt đầu học một ngoại ngữ), thì bạn có thể chọn một (hay vài) trung tâm tiếng Đức uy tín để gửi gắm con đường học tập dài hơi của mình tại đó.

Đối với việc học tiếng Đức, các bạn có thể lựa chọn nhiều khóa học khác nhau để cân đối với cuộc sống hàng ngày của mình. Chẳng hạn các bạn bắt đầu học tiếng Đức từ khi còn học THPT hoặc thậm chí nhỏ tuổi hơn, thì các bạn hoàn toàn có thể lựa chọn những khóa học chỉ 2 tới 3 buổi một tuần để bắt đầu làm quen với tiếng Đức một cách từ từ và chậm rãi.

Nếu bạn đã tốt nghiệp THPT và muốn học thật nhanh để sớm có bằng thì có thể chọn các khóa siêu tốc, cấp tốc khoảng 5 buổi 1 tuần, học trong khoảng 2 tháng là xong 1 trình độ rồi.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn một trung tâm uy tín cũng chiếm phần khá quan trọng, bởi trình độ của giáo viên được đảm bảo và giáo trình học cũng sát với đề thi sau này. Ở TPHCM thì mình không chắc, còn ở Hà Nội thì hai trung tâm đảm bảo nhất có lẽ là Viện Goethe và ĐH Hà Nội. Tuy nhiên, bản thân mình chưa từng học ở hai trung tâm này nên không có đánh giá và lời khuyên nào dành cho các bạn cả. Các bạn cứ tự do chọn một nơi mình cảm thấy đúng cho bản thân mình và bắt đầu học thôi!

Viện Goethe: https://www.goethe.de/ins/vn/vi/sta/han.html
Đại học HN: http://de.hanu.vn/truong-dai-hoc-ha-noi/PMV03-c5-p1/-sd.html

Tùy vào thời gian và sự kiên nhẫn của các bạn có, mà bạn nên chọn quá trình học của mình kéo dài tới đâu, nhưng tối thiểu từ A1-B1, ví dụ mình thì học từ A1-B2 ở Việt Nam và chỉ thi bằng B1. Nhưng nếu có thời gian, thì HÃY HỌC CÀNG NHIỀU CÀNG TỐT. Học không bao giờ là thừa cả, và với B2 trong tay chưa chắc bạn đã giao tiếp được ở Đức (Ví dụ to nhất chính là mình!).


BƯỚC 2: Thi TestAS

Để apply vào một trường Đại học ở Đức thì việc có TestAS gần như là bắt buộc (những trường không yêu cầu thì mình không nắm rõ thông tin). Bài thi TestAS chỉ đơn giản là một bài thi đánh giá trình độ SV xem có đủ điều kiện để học ĐH hay không. Bài thi này chỉ gồm những kiến thức cơ bản và luyện tập, suy nghĩ một chút là bạn có thể làm được.

Mọi thông tin về cuộc thi này được DAAD viết rất chi tiết tại đây: https://www.daad-vietnam.vn/vi/hoc-tap-va-nghien-cuu-tai-duc/hoc-tap-tai-duc/thong-tin-ve-testas/

Các bạn đọc từng phần để được giải đáp tất cả thắc mắc nhé!

Tuy nhiên, DAAD có đề cập rằng:

Trong trường hợp bạn mình nộp trường Aachen lại nhận được câu trả lời như sau:



Vì thế bản thân mình cũng không rõ phía nào nói đúng, nhưng để chắc chắn, hãy cứ viết một e-mail thẳng cho trường mình muốn học để hỏi rõ trước khi đăng ký thi!

Đề thi mẫu các bạn có thể tham khảo ở đây: https://www.testas.de/en/modellaufgaben_en.htm

BƯỚC 3: THI TIẾNG ĐỨC

Hiện nay đa số các trường Đại học của Đức mới chỉ yêu cầu chứng chỉ B1 là điều kiện cần và đủ để có thể xin Zulassung thi STK, tuy nhiên có một số trường đã yêu cầu B2 rồi, vì thế để biết chắc chắn trường mình cần chứng chỉ nào, hãy lên website của từng trường để đọc thật kỹ thông tin. Ngoài ra (mặc dù không nên lắm) là nếu bạn lười, thì cứ viết 1 cái e-mail hỏi thẳng trường và đợi người ta trả lời, đỡ phải đi tìm xem là B1 hay B2 :D

Thi tiếng Đức ở Việt Nam, theo như mình biết, thì chỉ có chứng chỉ ở Viện Goethe và OESD ở ĐH Hà Nội là đạt điều kiện để đi du học Đại học (Các bạn học nghề còn có thể thi được chứng chỉ khác). 

Vì thế để đăng ký thi và tìm lịch thi phù hợp, các bạn có thể tham khảo tại website của hai trung tâm này. Link của cả hai tương tự như ở BƯỚC 1: HỌC TIẾNG ĐỨC.

BƯỚC 4: DỊCH THUẬT HỒ SƠ
Khi đã thi ĐH xong và có đầy đủ hồ sơ cần thiết, các bạn có thể lập tức đi dịch thuật và công chứng hồ sơ. Việc này tốn cực ít thời gian, tuy thế thì để không mất thời gian đi lại nhiều lần, hãy tổng hợp thật đầy đủ những hồ sơ mình có. 

Các hồ sơ cơ bản:
1. Giấy khai sinh (cái này có thể cần dùng khi mở TK khóa sau này)
2. Bằng tốt nghiệp THPT
3. Bằng tốt nghiệp THCS
4. Giấy báo đỗ ĐH
5. Học bạ THPT
6. Chứng chỉ ngoại ngữ ngoài tiếng Đức nếu có (Ví dụ IELTS Certificate, không cần phải dịch mà chỉ cần photo công chứng là được)
7. CMND Việt Nam (cũng không cần dịch, chỉ cần photo công chứng ở phường là OK, nhỡ sau này có việc cần đến).

Những giấy tờ này các bạn tổng hợp lại thật đầy đủ, rồi đem đến một phòng dịch thuật công chứng để làm, thường thì thời gian làm chỉ tốn có một ngày thôi là xong vì họ có form hết rồi chỉ điền thông tin của mình vào. Bạn có thể google bất cứ địa chỉ nào thấy được nhiều người gợi ý để làm. Mình làm giấy tờ của mình ở một địa chỉ trên Quán Sứ nhưng mà giá hơi bị đắt nên mình không recommend lắm :D.

BƯỚC 5: THẨM TRA APS

Thông tin chi tiết về quá trình thẩm tra APS bạn có thể tìm đọc tại đây: https://vietnam.diplo.de/vn-vi/themen/kultur/aps/1275690

Lưu ý: Đem toàn bộ giấy tờ mình có về quá trình học tập + chứng chỉ TestAS để thẩm tra. 
Quá trình thẩm tra có thể kéo dài trung bình từ 3-6 tuần.
Tuy nhiên trong trường hợp của mình, có một lỗi trong quá trình thẩm tra giữa ĐSQ Đức và trường ĐH của mình, vì thế gần 3 tháng mình mới nhận được chứng chỉ APS của mình. Vì vậy, nếu ngoài 4 tuần mà bạn vẫn chưa nhận được gì thì hãy liên lạc ngay với bộ phận APS ở ĐSQ để hỏi xem vấn đề đang gặp phải của giấy tờ mình là gì. Nhưng gọi điện thoại thì rất khó để liên lạc nên tốt nhất hãy gửi email.

Thông tin của bộ phận APS của ĐSQ Đức: 
Địa chỉ:  Đại sứ quán Đức
APS, 29 Trần Phú, Ba Đình
Hà Nội
Điện thoại: +84 24-3267 3361
Fax: +84 24 3843 9969
Email: aps_hanoi@yahoo.com
BƯỚC 6: XIN ZULASSUNG

Đây là bước các bạn xin được Zulassung có nghĩa là xin được một chỗ để đi thi STK :D
Trường Đại học ở Đức thì có hai loại chính khi xét về khía cạnh xin Zulassung đó là trường qua Uni Assist và trường không qua Uni Assist.

Để biết trường mình muốn tham gia thi thuộc loại nào thì bạn lên google gõ: Tên trường ĐH + Bewerbung, nếu cần qua Uni Assist thì nó sẽ hiện ngay ở đó.

Ví dụ: Search Uni Hannover Bewerbung
Chọn thông tin của mình là SV ngoài EU học bậc Bachelor

Theo như kết quả này thì có nghĩa là để xin được Zulassung cho Uni Hannover, bạn cần phải thông qua Uni Assist.

Đối với các trường qua U.A, bạn lên website: https://ww2.uni-assist.de/online/Login
Sau khi tạo Tài khoản, bạn điền tất cả thông tin của mình ở Grundfragen, sau đó vào Unterlagen để upload những gì mà mình có lên (những hồ sơ mà bạn đã dịch thuật công chứng, TestAS, APS, chứng chỉ tiếng Đức,...). Sau đó vào phần Antrag, chọn trường mà mình muốn, điền thông tin và chọn các file mình đã up sẵn đẻ đính kèm với hồ sơ của trường đó. Sau khi hoàn tất các bước, bạn chọn Ausdrucken để in ra, UA sẽ gửi cho bạn một email xác nhận việc nộp đơn online này và yêu cầu bạn thanh toán cũng như nộp giấy tờ bản cứng cho họ. 

Để thanh toán, bạn cần có thẻ VISA hoặc MASTERCARD (nếu mình nhớ không nhầm). Sau khi thanh toán xong, tốt nhất nên in cái hóa đơn ra rồi nộp kèm với các hồ sơ bản cứng của mình để họ kiểm tra cho dễ. Lúc gửi tiền NHỚ ĐIỀN BEWERBERNUMMER. Phí của UA là 75eu cho trường đầu tiên và 30eu cho mỗi trường sau đó.

Đối với các trường không qua Uni Assist (ví dụ: Uni Jena, Uni Nordhausen, Uni Kiel, Uni Mainz, Uni Koethen,...) các bạn chỉ cần đơn giản là lên website điền Antrag rồi nộp cho họ mà không mất phí. Ngoài ra có Uni Goettingen không qua UA nhưng xin Zu sẽ mất 45eu tiền phí. Các trường này có ưu điểm là duyệt hồ sơ cực nhanh, Uni Jena có khi chỉ cần 1-2 ngày là bạn đã xin được Zu rồi. Đổi lại, việc gia hạn Visum ở các SNK có các Uni này trực thuộc thường khó khăn hơn, và xin Visum bằng các Zu này có phần bị duyệt chặt hơn (đấy là lời đồn thôi còn mình nộp bằng Zu Jena vẫn xin Visum 6 tháng ngon lành không vấn đề gì dù đợt đó có mấy bạn chỉ được có 3 tháng :D). À nhưng gia hạn tại Nordhausen và Koethen thì cũng có khó hơn thật! 

Sau khi đã có hồ sơ bản cứng trên tay, bạn có thể lựa chọn các cách để gửi đến trường như: Nhờ người thân bạn bè ở Đức in ra và nộp hộ, nếu có thể như thế thì thật tuyệt vời :D Riêng UA có thể nộp trực tiếp bằng cách nhét vào hòm thư của họ ở Berlin thì chẳng mất đồng tiền nào cả. (Tuy nhiên thì hồ sơ dịch thuật vẫn phải có ở Đức rồi thì mới được). Hoặc gửi DHL thì mất một phần phí khá cao, cái này mình không rõ nên các bạn có thể tham khảo tại google. Ngoài ra, tham gia hội SVVN trên Facebook cũng là một lợi thế, các bạn có thể nhờ bạn nào chuẩn bị bay sang nộp hộ, và gửi họ một phần phí cảm ơn! Dù cũng mất phí nhưng sẽ rẻ hơn so với việc gửi DHL và có khi lại làm quen được bạn mới trước khi sang Đức :D

Lưu ý: đọc kỹ thông tin về ngành mà mình muốn xin Zu. Ví dụ: Ngành đấy có đúng khối ngành với ngành học của mình ở VN không. Ngành đấy có mở vào kỳ Hè/ Đông hay không. 
Mình đã bị từ chối 2 Zu qua UA một cách đau đớn vì 1 ngành thì không cùng khối ngành và 1 ngành thì không mở vào kỳ Hè. Thực sự việc xin Zu cho thi STK không quan trọng lắm là ngành gì vì dù sao sau này bạn cũng có cơ hội để chọn lại ngành khi apply vào ĐH, nhưng mà chính vì cái sự chủ quan ấy nên mình đã mất một cục tiền mà chẳng được tích sự gì cả. Thế nên, đọc kỹ vào nhé!

BƯỚC 7: MỞ TÀI KHOẢN KHÓA

Lúc này chính là lúc đồng tiền lên ngôi! Bạn đem theo Zulassung mà mình có, cộng với 8820eu (mình vừa đọc được một bài là chuẩn bị tăng lên khoảng 10000 nhưng chưa thấy ai chứng thực nên không biết là có chính xác hay không) đem ra ngân hàng để mở Tài khoản khóa. Tài khoản khóa này chính là một cách chứng minh rằng bạn có đủ điều kiện tài chính để sinh sống và học tập ở Đức trong một năm, vì thế khi ở Đức, sau khi mở khóa TK các bạn sẽ được phép chi tiêu tối đa 735eu một tháng. Nếu tháng này không tiêu hết thì sẽ được cộng dồn vào tháng sau!

Bản thân mình thì mình mở TK Khóa tại Vietinbank rất nhanh và tiện lợi. 
Mình mở ở Chi nhánh gần cây xăng Nam Đồng trên đường Nguyễn Lương Bằng. Ngày 1 đem theo Zu, bản CMND dịch thuật công chứng, hộ chiếu bản gốc125eu bằng tiền Việt. Đến ngân hàng mình được hướng dẫn chi tiết việc mở TK nên đoạn này mình cũng chẳng nhớ rõ lắm, họ bảo gì làm đấy là ok :D Sau khi chờ đợi vài ngày thì TK mình đã được mở thành công (Ngân hàng sẽ báo qua email hoặc SĐT), bạn đem số tiền 8820eu ra để nộp vào TK là xong. Lời khuyên xương máu của mình: Mang tiền Việt đi mà nộp, đừng dại mang Euro lại mất thêm phí đổi tiền thành ra còn cao hơn :))) trừ khi euro nhà bạn mua từ hồi nó 25 thì may ra còn có lợi :D. Lúc này chờ thêm vài ngày nữa là sẽ có Email xác nhận số dư tài khoản. Cái này bạn in ra để lúc xin Visa còn nộp, cũng có thể dùng cho việc gia hạn Visa khi mới sang Đức nữa.

Một số người bạn của mình thì phải làm thêm giấy xác nhận gì đó mà chứng minh mình không phải tội phạm truy nã ý :D cái này mình cũng không rõ vì mình không phải làm. Tuy nhiên thì Ngân hàng sẽ bảo bạn chính xác là sẽ phải làm gì và nó cũng rất là nhanh thôi, yên tâm!

BƯỚC 8: XIN VISUM

Để có lịch hẹn ưng ý nhất thì ngay khi có Zu, các bạn có thể đặt lịch hẹn xin Visum rồi. Nếu như lúc đó chưa mở kịp TK Khóa thì bạn cứ email cho ĐSQ xin bổ sung TK sau cũng được. Còn nếu không thì cũng có thể đợi đến khi đầy đủ toàn bộ giấy tờ rồi đặt lịch hẹn sau cũng không sao. Nếu lịch hẹn quá gấp chưa kịp chuẩn bị giấy tờ, bạn có thể phản hồi lại email bằng cách xin lịch khác muộn hơn 1-2 tuần tùy theo nhu cầu, nếu lịch hẹn quá xa không kịp nhận Visum để sang thi Aufnahmetest thì cũng email lại kèm Zulassung, họ sẽ xếp cho mình lịch vừa vặn nhất. ĐỪNG CÓ MUA LỊCH HẸN TRÊN MẠNG LÀM CÁI GÌ PHÍ CẢ TIỀN RA.


Khi đi xin Visum, các bạn cần chuẩn bị TOÀN BỘ HỒ SƠ ĐÃ ĐƯỢC DỊCH THUẬT CÔNG CHỨNG thật đầy đủ, kèm theo

TestAs
APS
Zulassung
Giấy xác nhận số dư tài khoản khóa,
Ảnh 4x6 theo yêu cầu của ĐSQ 
Lebenslauf
Thư động lực
Phí xin thị thực (Khoảng 1.500.000vnđ, mình không nhớ chính xác, các bạn cứ đem dư ra đề phòng cao hơn!)

(https://vietnam.diplo.de/vn-vi/dichvulanhsu/05-VisaEinreise/passbild-vnm/1349402 - có thể chọn chụp ở Hai Bà Trưng, đắt nhưng mà thôi thà đúng yêu cầu không phải làm lại còn hơn, à xấu nữa, xấu thê thảm luôn nên chuẩn bị tinh thần nhé!), đơn xin thị thực (tốt nhất nên in ra và điền trước ở nhà THẬT CHÍNH XÁC, hôm ấy mình điền sai đến lúc đến ĐSQ lại phải điền lại rất mất thời gian và vô duyên nữa :P).

Thông tin chi tiết về việc xin thị thực du học Đức: https://vietnam.diplo.de/vn-vi/dichvulanhsu/05-VisaEinreise/thithucduhoc/1275688

Lưu ý: Xếp hồ sơ theo đúng trình tự để đỡ bị mắng mỏ nhé :D mình lúc nộp đúng trình tự và rất gọn gàng nên cũng khá nhanh gọn và chị gái làm cho mình rất thân thiện, nhẹ nhàng, không hề như những gì mình đã đọc được từ người khác!

Việc xin thị thực sẽ kéo dài khoảng từ 4-6 tuần, nên cứ căn khoảng 4 tuần trước khi thi STK để đến xin Visum là ổn, như mình thì mình nộp trước 2 tháng, 6 tuần thì mình có Visum, và Visum của mình có hiệu lực trước ngày thi 2 tuần!


Lời cuối: Như vậy là các bạn đã hoàn thành việc tự làm hồ sơ du học Đức bậc dự bị Đại học rồi. Không dễ dàng nhưng cũng không quá khó khăn để có thể tự làm. Quá trính này có thể tạm tính là sẽ kéo dài khoảng 1 năm. Thời gian cũng có thể hơn hoặc kém tùy thuộc vào thời điểm bạn bắt đầu, hoặc thi tiếng Đức có đỗ hết ngay hay không, đặt lịch hẹn mất bao lâu,..

Chi phí tạm tính như sau:
Học tiếng Đức A1-B1: 12.000.000vnd
Thi TestAS: 80eu ~2.100.000vnd
Thi B1: 3.000.000vnđ
Dịch thuật công chứng: 1.700.000vnđ
Xin Zulassung: (tạm tính 3 trường) 3.600.000vnđ
Mở TK khóa: 3.400.000vnđ
Tiền CMTC: 240.000.000vnđ
Tiền xin Visum: 1.500.000vnđ
Tổng: 267.300.000vnđ

Chi phí này sẽ không hoàn toàn đúng với tất cả mọi người, song các bạn có thể dựa vào đó để chuẩn bị tài chính cho bản thân mình!

Trên đây (có lẽ) đã là toàn bộ kinh nghiệm mà mình có cho việc tự làm hồ sơ du học Đức bậc Dự bị Đại học rồi. Mình hy vọng đã có thể giúp các bạn ít nhất là phần nào đó trên con đường đến Đức của các bạn. Nếu có góp ý gì có thể liên hệ trực tiếp với mình :D 

Trong bài viết sau, mình sẽ chia sẻ thêm nhiều khía cạnh khác của việc du học Đức, hy vọng sẽ được các bạn ủng hộ. 

Mình xin cảm ơn :D

Các bạn có thể theo dõi mình tại
Facebook: http://facebook.com/cloudthequeen
Instagram: http://instagram.com/klaudia.chile

Hẹn gặp lại các bạn ở các chuyên mục sau hê hê hê

Nhận xét